Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được Bộ GD-ĐT công bố đã nhận được nhiều ý kiến chưa đồng thuận. Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huy Bằng đã trao đổi để làm rõ một số nội dung cụ thể chung quanh dự thảo đang được dư luận quan tâm này.

Theo Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, một trong những vấn đề dư luận băn khoăn về Dự thảo Nghị định là lo ngại việc xử phạt đội ngũ nhà giáo. Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Bằng cho biết: Theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính thì: “Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức”.

 

“Như vậy, nhà giáo nói chung không chịu sự chế tài của Nghị định này”- ông Nguyễn Huy Bằng khẳng định.

Về mức phạt tiền, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức. Tuy nhiên, hiện trong dự thảo Nghị định chỉ quy định mức cụ thể đối với từng hành vi tối đa là 30 triệu đồng đối với cá nhân và đối với tổ chức là 80 triệu đồng.

Ông Nguyễn Huy Bằng cho biết, trên cơ sở ý kiến của nhiều Sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục đại học đề nghị cần tăng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm. Trong quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo đã nghiên cứu quy định mức phạt tiền đối với từng hành vi vi phạm để vừa đảm bảo tính răn đe nhưng cũng phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, có một số hành vi vi phạm được điều chỉnh tăng mức phạt tiền nhưng cũng có một số hành vi vi phạm được điều chỉnh giảm mức phạt tiền.

Đối với việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học; nhà giáo, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục, theo quy định hiện hành quy định chung hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm và xâm phạm thân thể của người học thuộc một nhóm hành vi. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cho rằng hành vi xâm phạm thân thể có tính nguy hiểm cao hơn hành vi xúc phạm danh dự nên đã tách quy định này thành hai nhóm hành vi nhằm hướng tới việc hạn chế tình trạng bạo hành trong nhà trường gây bức xúc dư luận. Đồng thời, để bảo vệ nhà giáo, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục. Các quy định này hướng tới bảo vệ cả người học và nhà giáo; đồng thời bảo đảm các cá nhân có hành vi vi phạm đều bị xử lý bình đẳng như nhau.

Riêng đối với việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi dạy thêm, học thêm, ông Nguyễn Huy Bằng cho rằng trước những băn khoăn việc quy đinh chung như tại dự thảo Nghị định sẽ khó thực hiện, có thể dẫn tới việc hiểu nhà giáo không được dạy thêm. Đây là ý kiến có cơ sở cần tiếp tục cụ thể hóa thêm dù khi soạn thảo đã chú ý bám sát Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm.

Nói về tính khả thi, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết Dự thảo Nghị định đã cụ thể hóa hơn so với Nghị định số 138/2013/NĐ-CP nhưng vẫn bám sát quy định chung của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Khi Nghị định ban hành cần tuyên truyền rộng rãi để các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nhân dân hiểu, đồng thời tập huấn kỹ cho lực lượng thanh tra để việc triển khai thực hiện đúng quy định.

 

Theo Báo Nhân dân