Đại học RMIT Việt Nam vừa phối hợp cùng Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Hưng Yên tổ chức chương trình tập huấn “Kết hợp ứng dụng công nghệ trong học tập” dành cho hơn 50 cán bộ các cấp của Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Hưng Yên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và giáo viên đến từ các trường trung học phổ thông của tỉnh Hưng Yên.

Các chuyên gia đến từ RMIT đã chia sẻ về ứng dụng công nghệ trong phương pháp giảng dạy. Trong đó, phương pháp Học tập hỗn hợp (Blended learning) là một trong những phương pháp chiếm xu thế trên thế giới và đang được áp dụng hiệu quả tại RMIT, kết hợp song song giữa học truyền thống ở lớp và học hiện đại thông qua các nền tảng công nghệ và trực tuyến.

 

Nghiên cứu cho thấy phương pháp học tập này cho phép học sinh và sinh viên cá nhân hóa việc học thông qua cách chủ động lựa chọn thời gian, tốc độ, địa điểm, cách thức học tập phù hợp với bản thân mỗi người. Khi rời khỏi lớp học, học sinh có thể dễ dàng truy cập và sử dụng những phần mềm và công cụ học tập vui nhộn trên điện thoại hoặc máy tính. Ứng dụng công nghệ vào giảng dạy giúp tạo thêm động lực cho cho sinh viên và học sinh, đồng thời giảm thiểu áp lực và nâng cao sáng tạo trong việc truyền thụ kiến thức của giáo viên.

Theo chia sẻ của Quản lý Cao cấp của Chương trình tiếng Anh học thuật RMIT - Giảng viên Daniel Ruelle, có nhiều công cụ và nền tảng công nghệ đơn giản mà thầy cô có thể ứng dụng lập tức vào bài giảng như Quizlet, Padlet, Google Classroom, Facebook.  

“Ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và học tập tại trường chúng tôi cũng đã được áp dụng phần nào, tuy nhiên chưa hệ thống hóa,” cô Nguyễn Thị Hường (Tổ phó Tổ Ngoại ngữ, trường Trung học Phổ thông Chuyên Hưng Yên) chia sẻ. “Buổi tập huấn hôm nay giúp tôi biết cách kết hợp tối ưu các công cụ để thiết kế bài giảng hiệu quả hơn, giúp việc giảng dạy và học tập thú vị hơn, trao quyền chủ động cho học sinh nhiều hơn.”

Đứng ở cương vị nhà lãnh đạo, Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Chuyên Hưng Yên cô Nguyễn Thị Hồng Thúy cho rằng phương pháp Học tập hỗn hợp phát huy được ưu điểm của cả hai phương pháp học tập truyền thống và trực tuyến, và vì thế giúp nhà trường cải thiện đáng kể việc dạy và học ở giáo viên và học sinh.

Đánh giá về chương trình tập huấn, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Hưng Yên ông Nguyễn Văn Phê cho biết những buổi tập huấn như thế này thực sự cần thiết trong bối cảnh giáo dục 4.0, giúp giáo viên có thể ứng dụng, phát huy hiệu quả các phương tiện công nghệ, kỹ thuật vào việc thiết kế chương trình giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học, từng bước bắt kịp nền giáo dục của thế giới.

                                                                                                                   Nguồn bài: Trường THPT Chuyên Hưng Yên