CUỘC THI: “THIẾT KẾ SƠ ĐỒ TƯ DUY THEO CHỦ ĐỀ MÔN LỊCH SỬ VÀ ĐỊA LÝ”

                                            Hoạt động chuyên môn Tổ Sử - Địa

                                             Trường THPT Chuyên Hưng Yên. Năm học 2018 - 2019

Sáng ngày 8 tháng 11 năm 2018, tại hội trường lớn của trường THPT Chuyên Hưng Yên, Tổ Sử - Địa tiến hành Lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi tự làm đồ dùng dạy và học với nội dung Thiết kế sơ đồ tư duy theo chủ đề môn Lịch sử và Địa lý”.

        Tổ chức cuộc thi này là thực hiện kế hoạch hoạt động chuyên môn: Tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục trải nghiệm ở trường THPT Chuyên Hưng Yên với hình thức ngoại khóa, của Tổ Sử - Địa năm học 2018- 2019;thực hiện Quyết định số 144/b QĐ THPTCh, ngày 5 tháng 10 năm 2018 của Hiệu Trưởng - Trưởng Ban Chuyên môn Trường THPT Chuyên Hưng Yên về việc Tổ chức cuộc thi Thiết kế sơ đồ tư duy theo chủ đề môn Lịch sử và Địa lý.

Khi nghiên cứu các kỹ thuật dạy – học cho thấy, “Sơ đồ tư duy” có tầm quan trọng đặc biệt; nó là một công cụ tổ chức tư duy, là con đường chuyển tải thông tin vào bộ não rồi đưa thông tin ra ngoài bộ não một cách dễ dàng. Sơ đồ tư duy còn là một hình thức ghi chép có thể sử dụng màu sắc và hình ảnh, để mở rộng và đào sâu các ý tưởng. Nhờ sự kết nối các nhánh, các ý tưởng liên kết được với nhau làm cho sơ đồ tư duy có thể bao quát được các ý tưởng trên một phạm vi rộng. Như thế, sơ đồ tư duy được coi là một trong các kỹ thuật dạy học tích cực, như là một cách để giúp học sinh "ghi lại bài giảng" chỉ bằng dùng các từ then chốt và các hình ảnh, có thể trình bày tổng quan một chủ đề; có thể tóm tắt nội dung hoặc ôn tập một chủ đề học tập; hặc có thể chuẩn bị trước ý tưởng cho bài học sau… được mạch lạc, khoa học. Với môn Lịch sử và Địa lý, dạy – học theo sơ đồ tư duy lại càng cần thiết hơn.

Với tầm quan trọng đó, Ban tổ chức đặt ra mục đích của cuộc thi: Một là, nhằm khơi gợi tạo ý tưởng, phát triển trí thông minh, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập. Hai là, rèn và kiểm tra kỹ năng thực hành vẽ sơ đồ tư duy trong học tập môn học Lịch sử và Địa lý “học đi đôi với hành” của học sinh. Ba là, phát triển được các năng lực của học sinh như: tự chủ giải quyết vấn đề, sáng tạo, hợp tác làm việc nhóm, giao tiếp làm chủ ngôn ngữ, khai thác và sử dụng công nghệ thông tin, tự học, thực hành bộ môn, xác định và giải quyết mối liên hệ ảnh hưởng, tác động các sự kiện, hiện tượng lịch sử và địa lý với nhau…qua liên kết ý tưởng thực hiện thiết kế hoàn thành sản phẩm dự thi. Bốn là, qua trải nghiệm thực tiễn, tạo ra được sự tương tác giữa giáo viên và học sinh: thầy cô giáo thể hiện được vai trò là người tổ chức hướng dẫn hoạt động học, chuyển giao nhiệm vụ học tập cho học sinh; còn học sinh sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao, tích cực chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác làm việc nhóm… của các em học sinh trong toàn trường. Qua đó, hướng tới hoạt động thiết thực, biện pháp cụ thể, góp phần thực hiện đổi mới phương pháp và kỹ thuật dạy – học theo hướng Tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục theo tiếp cận trải nghiệm, phát triển năng lực và phẩm chất học sinh ở trường THPT Hưng Yên. Năm là, nhằm tạo hứng khởi cho học sinh học tập và tăng tính hấp dẫn môn học lịch sử - địa lý cho học sinh. Thứ sáu, các sản phẩm dự thi được bổ sung vào nguồn tư liệu, làm đồ dùng dạy và học cho năm học này và các năm học sau.

Cuộc thi được triển khai từ tuần thứ nhất của tháng 10 năm 2018, kết thúc vào ngày 31 tháng 10 năm 2018. Với sự chỉ đạo sát thực của Ban Giám hiệu nhà trường; tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình của các thầy cô giáo đã tổ chức hướng dẫn học sinh hoàn thành sản phẩm dự thi; đặc biệt là sự hào hứng, tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao, tích cực chủ động, sáng tạo; tinh thần hợp tác làm việc nhóm… của các em học sinh trong từng lớp và trong toàn trường, cuộc thi đã đạt được mục tiêu đề ra với kết quả tốt đẹp.

Các em học sinh toàn trường đã thiết kế được 182 sản phẩm gồm chủ đề Lịch sử và Địa lý của ba khối lớp (10,11,12). Sản phẩm được thiết kế trên máy vi tính và in màu theo quy định về nội dung và hình thức mà Ban tổ chức yêu cầu. Qua cuộc thi các em đã phát triển được tư duy, các kỹ năng, các năng lực cần thiết để tạo ra sản phẩm dự thi. Nhiều lớp có sản phẩm hình thức đẹp, nội dung tốt, sáng tạo, đạt giải cao như lớp 10 Sử - Địa, lớp 10 Anh1, lớp 10 Toán1, lớp 10 Anh2, lớp 11 Lý, lớp 11 Toán1, lớp 11 Toán2, lớp 11 Tin, lớp 11 Sử - Địa, 11Anh1, lớp 12 Lý, 12 Toán1, 12 Toán2, 12 Hóa, 12 Sử - Địa. Trong đó, đạt giải cao ở cả hai môn có: lớp 10 Sử - Địa, lớp 10 Anh1, lớp 10 Toán1, lớp 11 Toán1, lớp 11 Lý, 11 Sử - Địa, lớp 12 Lý, 12 Toán1, 12 Toán2.

Về phía Ban Giám khảo, đã làm việc công tâm, trách nhiệm, cẩn trọng chấm điểm để lựa chọn, phân hạng các sản phẩm dự thi. Tổng số đạt 42 giải. Trong đó có 06 giải Nhất; 12 giải Nhì; 12 giải Ba, 12 giải Khuyến khích.

Tại buổi lễ Tổng kết và trao giải thưởng, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thúy - Hiệu trưởng - Trưởng Ban chuyên môn trường THPT Chuyên Hưng Yên, đã biểu dương và ghi nhận thành tích của các thầy cô giáo Tổ Sử - Địa và các em học sinh toàn trường.

Cùng với các hoạt động chuyên môn thi đua dạy tốt - học tốt, thành công cuộc thi “Thiết kế sơ đồ tư duy theo chủ đề môn Lịch sử và Địa lý” là kết quả thiết thực chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam (20 - 11) .

Một số hình ảnh của hoạt động:

                                           Bài và ảnh của cô giáo Nguyễn Thị Thấm.

                                           Tổ Trưởng Tổ Sử - Địa Trường THPT Chuyên Hưng Yên.